Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến nhất thế giới. Các nhà khoa học đã mất nhiều công sức để có thể điều chế ra vắc xin cúm, tuy nhiên các chủng cúm luôn có sự biến đổi khó lường. Lịch sử y học thế giới từng ghi nhận nhiều đại dịch cúm có thể giết chết hàng triệu người trong thời gian ngắn, vậy sự khác biệt giữa cúm đại dịch và cúm mùa như thế nào?
Phân biệt cúm mùa và cúm đại dịch
Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về bệnh cúm và các đại dịch cúm. Tuy nhiên rất nhiều người lầm tưởng về cúm mùa và cúm đại dịch.
Có thể bạn quan tâm:
- Tổng hợp thông tin về Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918
- Tổng hợp thông tin về Đại dịch 1957-1958: Virus H2N2
- Thông tin chi tiết nhất về Đại dịch năm 1968: Virus H3N2
Virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C. Trong quá trình lưu hành của virus cúm, các kháng nguyên trong virus luôn luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ liên tục gọi là “trôi” kháng nguyên (antigenic drift) thường gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Những biến đổi nhỏ dần dần tích lại thành những biến đổi lớn, tạo nên phân týp kháng nguyên mới gọi là “thay đổi” kháng nguyên (antigenic shift). Đó là do sự tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm động vật và cúm người. Và những týp kháng nguyên mới này sẽ gây thành đại dịch trên toàn cầu.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc nhổ của người mang mầm bệnh.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 – 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.
Tại Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 02 trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018).
Cúm đại dịch là sự bùng phát ở mức độ toàn cầu của một chủng cúm “mới” chưa từng được phát hiện gây bệnh ở người trước đó, do đó mọi người có ít hoặc không có khả năng miễn dịch chống lại nó. Bản chất của virus cúm “mới” gây nên các đại dịch cúm trong quá khứ chính là sự biến đổi và tái tổ hợp của các virus cúm cũ ở người và động vật qua quá trình “trôi” kháng nguyên.
Ngược về quá khứ, trong hơn 100 năm qua đã có 4 đại dịch cúm được ghi nhận. Trận dịch đầu tiên được xác định vào năm 1918, lây lan với tốc độ đáng kinh ngạc trên khắp thế giới, lan sang Ấn Độ, đến Australia và các đảo xa Thái Bình Dương. Chỉ trong 18 tháng, ít nhất một phần ba dân số thế giới bị nhiễm bệnh.
Đại dịch 1918-1919 do virus cúm A có tên là H1N1 gây ra. Mặc dù được gọi là cúm Tây Ban Nha nhưng các nhà khoa học đã phát hiện những trường hợp mắc cúm lần đầu tiên ở Mỹ trong thế chiến thứ I.
Đầu tháng 3/1918, một người lính Mỹ bị sốt đã được báo cáo với bệnh xá. Trong vòng vài giờ, hơn 100 binh sĩ khác gặp phải tình trạng tương tự, nhiều người ngã bệnh trong những tuần tiếp theo. Vào tháng 4, nhiều lính Mỹ đã đến châu Âu và mang theo virus. Làn sóng đầu tiên của đại dịch bắt đầu.
Chủng cúm “mới” có tốc độ lây truyền kinh hoàng, kèm theo những cái chết nhanh chưa từng thấy, Những người mắc bệnh bị sốt và khó thở. Khuôn mặt xanh xao vì thiếu oxy. Xuất huyết phổi khiến người bệnh nôn mửa, chảy máu cam, dịch tích tụ trong màng phổi và nhu mô phổi khiến cho bệnh nhân không thể thở nổi và tử vong.
Không giống như rất nhiều chủng cúm trước đó, cúm Tây Ban Nha tấn công không chỉ những người già hay trẻ nhỏ mà cả những người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Đại dịch khiến hầu như không có khu vực nào trên thế giới không bị ảnh hưởng. Ở Anh, 228.000 người chết. Mỹ mất tới 675.000 người, Nhật Bản khoảng 400.000. Hòn đảo phía tây Thái Bình Dương của Samoa (Samoa ngày nay) đã mất 1/5 dân số. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng chỉ riêng ở Ấn Độ, tổng số người thiệt mạng là từ 12 đến 17 triệu. Dữ liệu chính xác về số người chết khó nắm bắt, nhưng số liệu người chết trên toàn cầu được ước tính là từ 10-30% những người bị nhiễm bệnh.
Ngoài đại dịch cúm 1918, có 3 đại dịch Cúm đã xảy ra: năm 1957, 1968 và 2009 (H1N1). Nguy cơ của một virus cúm mới truyền từ động vật sang người và có tiềm năng trở thành nguyên nhân của đại dịch là có thực và điều này là một sự cảnh báo rằng chúng ta cần tiếp tục chuẩn bị cho những đại dịch tiếp theo.
Nguy cơ biến chứng ở người bị cúm mùa – cúm đại dịch
Cúm mùa là dạng cúm lưu hành quanh năm, cao điểm từ giữa tháng 12 đến tháng 2 với các nước ở Bắc bán cầu và từ tháng 6 đến tháng 8 ở các nước Nam bán cầu. Nếu chưa có miễn dịch phòng cúm, một số người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng như trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, và người mắc một số bệnh mãn tính… Tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Trong các vụ dịch cúm hàng năm, 5-15% dân số bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như người già và người mắc bệnh mạn tính.
Cúm đại dịch hiếm khi xảy ra hơn, tuy nhiên dự báo của các chuyên gia về một vụ đại dịch cúm trong tương lai hoàn toàn có thể xảy ra. Hầu hết người bệnh sẽ không có hoặc ít có miễn dịch chủ động khi đại dịch bùng nổ vì đây là chủng cúm mới hoàn toàn. Vì thế những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ cao bị biến chứng đối với cúm đại dịch và số ca tử vong chắc chắn sẽ gấp nhiều lần đối với số người tử vong do cúm mùa.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh cúm?
Trước mối đe dọa từ cúm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động một chiến dịch bảo vệ người dân trên thế giới có thể hoành hành trong thập kỷ tới, đồng thời cảnh báo nguy cơ “chắc chắn xảy ra” các đại dịch cúm mới trong tương lai.
Chiến dịch mới của WHO sẽ bắt đầu từ năm 2019 cho đến hết năm 2030, nhằm ngăn chặn bệnh cúm mùa, kiểm soát sự lây lan của virus từ động vật sang người và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nếu có đại dịch tiếp theo.
Chiến dịch này kêu gọi mọi quốc gia tăng cường và đẩy mạnh các chương trình y tế thường nhật và phát triển các chương trình dành riêng cho việc phòng chống cúm nhằm củng cố việc kiểm soát bệnh, các phản ứng, phòng ngừa…
Cúm vẫn là một trong những thách thức lớn nhất thế giới về sức khỏe cộng đồng, với tốc độ lây lan rất nhanh từ người sang người, bệnh có thể chuyển thành ác tính đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh với hàng loạt những biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê của tổ chức này, các trận dịch cúm, chủ yếu là cúm mùa, đã ảnh hưởng khoảng 1 tỷ người, đồng thời cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người mỗi năm.
WHO khuyến cáo tiêm phòng vắc xin cúm là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, đặc biệt đối với các nhân viên chăm sóc y tế và những người có nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc cúm.
Bên cạnh đó, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Hoa Kỳ, tất cả trẻ em từ 6 đến 24 tháng tuổi đều dễ có nguy cơ bị các biến chứng do cúm, do đó tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mỗi năm là phương pháp hiệu quả để giúp phòng tránh bệnh. Đặc biệt, trẻ trên 6 tháng tuổi bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính (bao gồm cả hen suyễn) và những người mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, người mắc bệnh thận mãn tính, hệ thống miễn dịch yếu càng nên tiêm phòng bệnh cúm.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh sởi và những kiến thức cực kỳ quan trọng cần nắm vững
- Bệnh lao – Căn bệnh phổi này có cách trị như thế nào?
Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành 4 loại vắc xin phòng cúm mùa: Vaxigrip 0.25ml và Vaxigrip 0.5ml (Pháp), Influvac 0.5ml (Hà Lan), GC Flu 0.5ml (Hàn Quốc), Ivacflu-S 0.5ml (Việt Nam).
VNVC là đơn vị tiêm chủng có đầy đủ các loại vắc xin phòng cúm, sẵn sàng cung cấp cho người dân bảo vệ sức khỏe. Tùy mỗi loại vắc xin sẽ có những phác đồ khác nhau:
- Cho trẻ em dưới 3 tuổi: vắc xin Vaxigrip 0.25ml (Pháp),
- Cho trẻ em 3 tuổi trở lên và người lớn: vắc xin Influvac 0.5ml (Hà Lan), GC Flu 0.5ml (Hàn Quốc), Vaxigrip 0.5ml (Pháp),
- Cho người lớn trên 18 tuổi: vắc xin Ivacflu-S 0.5ml (Việt Nam).
Việc tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm giúp chúng ta:
- Được bảo vệ lên đến 90% các bệnh lý cũng như các biến chứng liên quan đến bệnh cúm;
- Giảm 50% các biến chứng trong thai sản, truyền kháng thể phòng bệnh từ mẹ sang con giúp trẻ phòng bệnh trong 6 tháng đầu;
- Giảm hơn 50% biến chứng do bệnh lý của lão khoa;
- Giảm 80% tỷ lệ tử vong các bệnh lý liên quan đến bệnh cúm
Mong rằng với những chia sẻ này bạn đọc đã có đầy đủ kiến thức để phân biệt sự khác biệt giữa cúm mùa và cúm đại dịch. Hãy giữ gìn sức khỏe của chính mình và gia đình nhé.
Tổng hợp: https://thiennhiendaidich.com