Hiện nay trên thế giới tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên vô cùng nghiêm trọng trong đó có ô nhiễm môi trường không khí. Vấn đề này đã đặt ra cho giới chức trách bài toán khó trong việc tìm được giải pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa tác động xấu của nó đối với cuộc sống con người.
Giải đáp ô nhiễm môi trường không khí là gì?
Không khí là thành phần vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự sống của con người, có nhiệm vụ trong việc cung cấp O2 cho quá trình hô hấp của con người và sinh vật, nếu không có không khí con người sẽ không thể tồn tại và phát triển.
Môi trường không khí được hiểu là tất cả các khí bao quanh chúng ta. Hiện nay ô nhiễm môi trường không khí đã trở thành vấn đề báo động đỏ với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo đó, ô nhiễm không khí là thay đổi thành phần không khí do tác nhân bên ngoài làm cho không khí có mùi lạ, làm giảm tầm nhìn hoặc gây ra biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm không khí gây tác động lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và các sinh vật, đồng thời cũng là một trong những tác nhân chính làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đa số nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường xuất phát từ các hoạt động của con người và hiện nay chưa có bất cứ biện pháp hữu hiệu nào được đưa ra có thể giải quyết hoàn toàn tình trạng này trên thế giới.
Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí tại nước ta
Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia có tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở mức cao. Trong đó hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi có bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề nhất trên cả nước.
Báo cáo thường niên của tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện đã chỉ ra rằng cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,…Việt Nam là một trong 10 nước có chất lượng không khí ở mức thấp nhất hay có thể nói tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động đỏ. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm bụi PM10, PM 2.5.
Từ năm 2010- – 2017 nồng độ bụi PM 2.5 tại Việt Nam luôn tăng mạnh. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng chỉ số chất lượng không khí hàng ngày luôn ở mức báo động nguy hiểm, dao động từ 150 – 200. Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng phương tiện giao thông tại Việt Nam rất đông cũng như các hoạt động sinh hoạt, sản xuất tác động trực tiếp đến chất lượng không khí.
Theo báo cáo mới nhất vào năm 2022 của IQAir, nồng độ bụi mịn tại Việt Nam hiện nay có xu hướng giảm so với các năm 2019, 2020 tuy nhiên vẫn nằm top 5 trong 9 quốc gia Đông Nam Á và xếp thứ 35/117 quốc gia trên thế giới có nồng độ bụi mịn cao nhất.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm không khí có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có hai nguyên nhân chính khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng là các nguyên nhân đến từ tự nhiên và nguyên nhân từ con người.
Nguyên nhân từ tự nhiên
Các tác nhân từ tự nhiên có ảnh hưởng nhất định đến môi trường không khí, các nguyên nhân từ tự nhiên thường diễn ra bất ngờ và khó kiểm soát hơn so với các tác nhân từ con người.
- Nguyên nhân từ bụi, gió: Gió cuốn theo bụi, chất độc, mùi hôi bay đi hàng trăm kilomet, từ đó làm cho ô nhiễm không khí càng thêm nặng nề, đặc biệt nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thực vật và con người khi mà chúng ta không thể kiểm soát được nó.
- Các khí độc từ núi lửa phun trào: Khi núi lửa phun trào sẽ sản sinh, giải phóng các khí độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến không khí như Metan, Lưu Huỳnh, Clo,…
- Khói bụi từ các vụ cháy rừng: Các vụ cháy rừng cũng được coi là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là các khí Nito Oxit được hình thành trong quá trình cháy rừng.
- Ảnh hưởng của bão: Theo chứng minh của các nhà khoa học thì mỗi trận bão luôn chứa một hàm lượng lớn khí NOX, đây được đánh giá là một loại khí gây ô nhiễm không khí cực mạnh. Sau các trận bão tỷ lệ ô nhiễm bụi mịn cũng tăng cao.
Ngoài ra sự phân hủy xác chết của động vật hiếm khí, sinh vật hay các chất phóng xạ tự nhiên cũng là một trong số những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng. Đặc biệt đối với các nguyên nhân từ môi trường tự nhiên thì con người càng khó đề ra được biện pháp khắc phục.
Nguyên nhân đến từ con người
Giữa tác động từ tự nhiên và tác động từ con người thì ô nhiễm môi trường không khí nặng nề như hiện tại nguyên nhân chính đến từ con người, các hoạt động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày đã làm chất lượng không khí ngày càng trở nên tồi tệ.
Hoạt động công nghiệp, nông nghiệp gây ảnh hưởng nặng nề
Các hoạt động công nông nghiệp là các thành phần kinh tế không thể thiếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên hoạt động của các ngành kinh tế này đã và đang đe dọa trực tiếp môi trường không khí của chúng ta.
Đối với hoạt động công nghiệp, các khí thải CO2, CO, SO2, Nox hàng ngày đưa ra môi trường với nồng độ cực cao của các nhà máy xí nghiệp khiến cho chất lượng không khí xung quanh trở nên cực kì tệ kéo theo đó là sự ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời cũng khiến cho môi trường đất, nước ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hoạt động nông nghiệp ảnh hưởng đến môi trường không khí thông qua các hoạt động đốt rơm, rạ, đốt rừng cũng như lạm dụng phân bón, các chất hóa học độc hại xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ảnh hưởng từ hoạt động giao thông vận tải
Các chuyên gia đánh giá hoạt động giao thông vận tải trên thế giới là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Số lượng phương tiện tham gia giao thông hàng ngày xả thải lượng khí khổng lồ vào môi trường với nồng độ cao và liên tục làm cho chất lượng không khí luôn ở mức cực tệ và nguy hiểm.
Điều này được chứng minh thông qua chỉ số chất lượng không khí tại các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh, Seoul, Hà Nội,…thậm chí có những thời điểm người đi đường không thể nhìn rõ đường đi do bụi mịn đã che khuất tầm nhìn.
Hậu quả nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường không khí
Cũng như hầu hết các loại ô nhiễm khác, nếu không có biện pháp khắc phục và hạn chế kịp thời thì ô nhiễm môi trường không khí sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho con người cũng như các sinh vật xung quanh.
Gây tác hại lớn đối với động thực vật
Môi trường không khí không chỉ quan trọng đối với con người mà đối với bất cứ sinh vật nào cũng cần đến. Tuy nhiên môi trường không khí ngày càng ô nhiễm đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các loại động thực vật. Cụ thể là các loại khí độc hại tồn tại trong không khí làm tắc nghẽn khí quản, khó hô hấp cũng như giảm hệ miễn dịch của động vật.
Hợp chất HF có trong môi trường không khí ô nhiễm cũng làm cho hàng loạt cây rụng lá hoặc làm chết các cây, từ đó làm cho hiệu ứng nhà kính hình thành và khiến trái đất nóng lên. Bên cạnh đó làm cho môi trường sống của các loài động thực vật mất đi, không có thức ăn và nguồn nước, gián tiếp khiến nhiều loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng.
Hậu quả đối với con người
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí là do con người và hậu quả của nó gây ra cho con người cũng vô cùng nghiêm trọng. Thậm chí có thể nói ô nhiễm môi trường là kẻ giết người thầm lặng và nguy hiểm nhất hiện nay.
Theo số liệu của WHO, có tới hơn 7 triệu ca tử vong của con người có liên quan đến ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó nó cũng gây thiệt hại về kinh tế vô cùng nặng nề với ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến gần 5000 tỷ USD mỗi năm.
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến các hoạt động của cuộc sống con người, đặc biệt là đối với hoạt động giao thông, tại các thành phố lớn lượng khói bụi dày đặc làm cản trở tầm nhìn dẫn đến các vụ tai nạn với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Nó cũng là tác nhân chính làm tăng tỷ lệ mắc các căn bệnh về đường hô hấp, ung thư ở con người. Đồng thời WHO khẳng định ô nhiễm môi trường cũng có khả năng gây ra các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe con người.
Cách khắc phục ô nhiễm môi trường không khí
Mặc dù chưa có biện pháp khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng các biện pháp dưới đây sẽ góp phần hạn chế và giúp cho môi trường không khí được cải thiện một cách đáng kể, các biện pháp này có thể kể đến như:
Xử lý khí thải công nghiệp đúng quy định trước khi đưa ra môi trường
Khí thải công nghiệp là nguồn khí gây ô nhiễm mạnh nhất, do đó trước khi thải ra môi trường, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc các quy định xử lý. Hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại cũng như sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để hạn chế khí thải nhằm bảo vệ chất lượng không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trồng nhiều cây xanh – khắc phục ô nhiễm môi trường không khí
Cây xanh có tác dụng vô cùng to lớn trong việc lọc sạch không khí, ngăn ngừa thiên tai, làm cho không khí trở nên trong lành hơn. Do đó tích cực trồng cây xanh tại các khu đô thị là một biện pháp hữu hiệu giúp giảm tình trạng khí thải, khói bụi, hạ nhiệt độ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần ngăn chặn các hành động chặt phá rừng bừa bãi để từ đó bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế ô nhiễm môi trường nói riêng.
Thay đổi một vài thói quen sinh hoạt của con người
Các hoạt động sinh hoạt của con người có thể thay đổi nhằm mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường không khí một cách tích cực. Cụ thể là việc xử lý rác đúng cách trước khi thải ra môi trường, không đốt rác, hạn chế sử dụng than, củi, gas. Đồng thời tăng cường việc tiết kiệm điện, năng lượng, sử dụng các năng lượng xanh như gió, mặt trời, thủy triều. Bên cạnh đó cũng có thể sử dụng các phương tiện công cộng thay cho các phương tiện cá nhân để giảm thải các khí độc hại ra môi trường.
Dùng các biện pháp kỹ thuật
Một số biện pháp kỹ thuật có thể kể đến hiện nay là sử dụng hệ thống máy móc, công nghệ để làm sạch không khí thông qua hệ thống màng lọc. Màng lọc này sẽ có tác dụng làm sạch không khí, loại bỏ các khí thải độc hại sau đó mới thải ra môi trường, từ đó góp phần quan trọng trong việc giảm mức độ ô nhiễm không khí.
Kết luận
Như vậy có thể nói ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề cấp thiết của mọi quốc gia, nó gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề tuy nhiên cũng có các biện pháp khắc phục nhất định. Nếu muốn giảm thiểu những tác động của nó đối với cuộc sống thì con người cần phải nâng cao trách nghiệm trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường.