Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên cho biết nước này đang trải qua hạn hán tệ hại nhất trong bốn thập niên qua. Tình hình này ảnh hưởng đến trồng cấy lương thực. Cùng tìm hiểu về nạn Hạn hán tại Triều Tiên nhé!
Thực trạng vấn nạn hạn hán tại Triều Tiên
Binh sĩ Triều Tiên quan sát nông dân làm việc trên cánh đồng ở Triều Tiên vào tháng 2-2019. Ảnh chụp từ tàu trên sông Yalu – biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm:
- 7 Nguyên nhân gây ra hạn hán – Cách để tránh và giảm thiểu hạn hán
- Hậu quả của hạn hán: Tìm hiểu về những rủi ro của nó
- Hướng dẫn biện pháp Phòng chống Hạn hán hiệu quả nhất
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15-5, lượng mưa trung bình ở nước này trong năm tháng đầu năm chỉ đạt 54,4 mm, mức thấp nhất tính từ năm 1982. Thông tin cho biết tình trạng hạn hán có thể kéo dài đến cuối tháng 5 này.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 5 này, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) cho biết Triều Tiên cần thêm khoảng 1,36 triệu tấn ngũ cốc để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trong năm nay.
Báo cáo trên cũng nhận định ước tính sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên hồi năm ngoái là 4,9 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2008, và khoảng 10,1 triệu người dân Triều Tiên (40% tổng dân số), đang cần được hỗ trợ lương thực.
Cũng trong ngày 15-5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên vẫn “nghiêm trọng” và Bình Nhưỡng cần viện trợ từ bên ngoài, bất chấp thông tin gần đây nói rằng giá gạo tại nước này đã giảm.
Hạn hán tại Triều Tiên và biện pháp
Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ông Lee Sang Min nêu rõ những đánh giá của WFP và FAO là thước đo chính thức và khách quan.
Theo bộ này, một số ý kiến cho rằng có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tình hình lương thực tại Triều Tiên bằng những thước đo thị trường ngoại trừ các công cụ đánh giá khác như mức giá lương thực chính thức hay số liệu thống kê của các tổ chức.
Ông Lee Sang Min khẳng định lập trường của Hàn Quốc là Triều Tiên vẫn phải nhận viện trợ lương thực từ nhiều đường khác nhau như viện trợ nhân đạo.
Trước đó, một số thông tin truyền thông đưa tin giá gạo trên thị trường Triều Tiên gần đây có xu hướng giảm. Điều này cho thấy Triều Tiên có thể không phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực như lo ngại của các cơ quan về lương thực của LHQ.
Lần gần nhất mà Hàn Quốc hỗ trợ cho Triều Tiên là năm 2010 với 5.000 tấn gạo. Năm 2017, Chính phủ Hàn Quốc đã dành riêng 8 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, song kế hoạch này không được thực hiện do các trừng phạt quốc tế.
Vào ngày 14-5, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho biết Hàn Quốc đang nỗ lực gửi lương thực cho Triều Tiên trước tháng 9 để giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu lương thực ở nước này.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đã tiến hành thu thập ý kiến người dân trước khi xác định thời điểm, cách thức và hình thức hỗ trợ nào sẽ dành cho Triều Tiên.
Có thể bạn quan tâm:
- Sạt lở đất: Nguyên nhân và các loại sạt lở thường gặp
- Mưa đá là hiện tượng gì? Nguyên nhân xuất hiện từ đâu?
Hàn Quốc hy vọng viện trợ lương thực tại Triều Tiên sẽ giúp giảm bớt tình hình khó khăn vì hạn hán tại Triều Tiên và giúp đảm bảo “sự sống” của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đang bế tắc.
Tổng hợp: thiennhiendaidich.com