Hạn hán ở châu Phi kéo dài đã làm cho người dân châu Phi vốn nghèo nay lại càng gặp khó. Thời tiết khắc nghiệt làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp vùng Sừng châu Phi.
Tình hình hạn hán ở châu Phi
Theo đó đã 4 mùa liên tiếp, lượng mưa tại khu vực châu Phi luôn ở mức thấp khiến tình trạng hạn hán càng diễn biến nghiêm trọng đẩy hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói. Theo một báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới, hơn 9 triệu người trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia đang bị cuốn vào vòng xoáy của bất ổn an ninh lương thực, 22 triệu người khác đang phải nỗ lực kiếm đủ bữa ăn hàng ngày.
Có thể bạn quan tâm:
- Hạn hán tại Triều Tiên – thiên tại tệ nhất trong lịch sử
- 7 Nguyên nhân gây ra hạn hán – Cách để tránh và giảm thiểu hạn hán
- Hậu quả của hạn hán: Tìm hiểu về những rủi ro của nó
Hồi tháng 4, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cảnh báo, khu vực Đông Bắc Phi (còn gọi là vùng Sừng châu Phi) đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua. Nhiều cộng đồng và khu vực nông thôn tại đây đang chứng kiến gia súc chết hàng loạt và mất sinh kế do các đồng cỏ và điểm cung cấp nước khô hạn. Chỉ tính riêng vùng Somali, thiếu nước đã giết chết gần 1,5 triệu gia súc, chiếm khoảng 2/3 đàn gia súc nuôi. Ngay cả những con vật sống sót cũng gầy yếu đến mức khiến giá trị của chúng giảm mạnh. Trong khi đó, hàng chục nghìn gia đình buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn, nước uống và đồng cỏ.
Cuộc khủng hoảng vì hạn hán ở châu Phi
IOM nhận định, hạn hán có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột, mất an ninh, biến đổi khí hậu, dịch châu chấu và các tác động kinh tế – xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng Sừng châu Phi được dự báo sẽ tăng cao do tình hình an ninh lương thực xấu đi nhanh chóng theo thời gian. Hệ lụy của những bất ổn trên đã khiến hàng chục triệu người dân châu Phi phải vật lộn mưu sinh để có miếng ăn hàng ngày. Đáng quan ngại là phần lớn trong số này đều rơi vào trẻ em.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo, nhiều trẻ em ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel có thể thiệt mạng vì đói nếu không được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Mặt khác, tại đây tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước cũng đang tăng cao.
Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết: “Lịch sử cho thấy khi mức độ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ở trẻ em cao. kết hợp với sự bùng phát của các bệnh dịch chết người như tả hoặc tiêu chảy, tỷ lệ tử vong ở trẻ em sẽ tăng đột ngột và thảm khốc. Và khi nước không có sẵn hoặc không an toàn, rủi ro đối với trẻ em sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân”.
Số liệu của UNICEF cung cấp cho thấy, số người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Ethiopia, Kenya và Somalia không được tiếp cận với nước sạch đã tăng từ 9,5 triệu người trong tháng 2 lên 16,2 triệu người vào tháng 7, khiến trẻ em và gia đình của họ có nguy cơ cao mắc các bệnh như dịch tả và tiêu chảy. Ngoài ra, UNICEF cho biết khoảng 40 triệu trẻ em phải đối mặt với mức độ dễ bị tổn thương về nước từ mức cao đến cực kỳ cao ở Burkina Faso, Chad, Mali, Niger và Nigeria. Ở những nơi này, hạn hán, xung đột và mất an ninh là nguyên nhân của tình trạng mất an ninh nguồn nước.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng vì hạn hán ở châu Phi
Trong khi đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel hiện đã có hơn 2,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, tức là các em có nguy cơ tử vong do các bệnh lây truyền qua đường nước cao gấp 11 lần so với những trẻ em được nuôi dưỡng tốt.
Có thể bạn quan tâm:
- Sạt lở đất: Nguyên nhân và các loại sạt lở thường gặp
- Mưa đá là hiện tượng gì? Nguyên nhân xuất hiện từ đâu?
UNICEF cũng đã kêu gọi cải thiện khả năng phục hồi lâu dài của các gia đình ở khu vực Sừng châu Phi và ngăn chặn hạn hán tàn phá cuộc sống trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, số tiền vận động để cứu trợ nhân đạo hiện chỉ xấp xỉ 3% so với nhu cầu. Trong số này, hầu như không có khoản tiền nào được nhận cho phần dành cho nước, vệ sinh và khả năng chống chịu với khí hậu.
Theo bà Catherine Russell, cách duy nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng do hạn hán ở châu Phi ày là chính phủ các quốc gia, các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế tăng cường tài trợ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của trẻ em và cung cấp hỗ trợ linh hoạt lâu dài để phá vỡ chu kỳ khủng hoảng này.