Cúm A H1N1: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa

Cúm A/H1N1 từng gây đại dịch càn quét toàn cầu với tốc độ lây lan cao và nhanh, gây gánh nặng bệnh tật khủng khiếp. Covid-19 vẫn đang gây sức ép, nỗi lo càng tăng thêm khi dịch cúm vào mùa, người dân cần hành động quyết liệt, chủng ngừa phòng bệnh kịp thời khi mầm bệnh bủa vây.

Cúm A/H1N1 là gì?

Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính thuộc dạng cúm theo mùa do chủng virus cúm A/H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) gây ra. Tên gọi phân nhóm H1N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 1 (H1) và neuraminidase nhóm 1 (N1).

Có thể bạn quan tâm:

Ban đầu, bệnh cúm A H1N1 còn được gọi là “cúm lợn” vì các nhà khoa học cho rằng chủng virus này có nguồn gốc từ lợn. Tuy nhiên, thực tế chủng virus này kết hợp từ các nguồn virus khác nhau: lợn, chim, người và gây ra bệnh ở người.

Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp
Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp

Đặc điểm cấu tạo virus cúm A/H1N1

Theo điều tra dịch tễ, có 3 chủng cúm gồm A, B và C gây bệnh cúm mùa, trong đó cúm A là chủng virus thường gặp nhất và là “thủ phạm” của nhiều đại dịch cúm trên toàn cầu. Đặc biệt, cúm A có 2 chủng virus lưu hành ở người chính là H1N1 và H3N2.

Virus cúm có hình cầu, đường kính 80 – 120nm, virus cúm A/H1N1 hoàn chỉnh phân ra làm 8 đoạn gen có cấu trúc phức tạp, gồm 3 phần:

  • Phần lõi: Là phân tử RNA một sợi đơn và protein – tương ứng với kháng nguyên S (soluble). Kháng nguyên này mang toàn bộ mã di truyền của virus nhưng không có ý nghĩa với cơ chế miễn dịch bảo vệ của cơ thể.
  • Vỏ capsid: Gồm các capsome sắp xếp theo kiểu đối xứng xoắn;
  • Vỏ ngoài cùng: Là lớp lipid kép có nguồn gốc màng bào từ tế bào chủ. Có 2 loại glycoprotein xuyên qua màng tạo thành các gai nhú (khoảng 500 chồi gai khác nhau), xếp xen kẽ nhau trên bề mặt của virus cúm A/H1N1. 2 cấu trúc này là 2 kháng nguyên đặc trưng là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và kháng nguyên trung hòa Neuraminidase (N). Mỗi sợi H và N dài 8-10 nm, cách nhau 8 nm. Kháng nguyên H giúp virus bám vào tế bào niêm mạc đường hô hấp và từ đó xâm nhập vào trong tế bào. Kháng nguyên N có hoạt tính enzyme làm loãng các chất nhầy ở đường hô hấp, giúp virus tiếp xúc dễ hơn với tế bào của niêm mạc, xâm nhập tế bào và gây bệnh dễ dàng hơn.

Về đặc điểm của kháng nguyên: Có 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N. Chính cách tổ hợp khác nhau của 2 loại kháng nguyên H và N tạo nên các phân tuýp khác nhau của virus cúm A. Trong quá trình lưu hành của virus cúm A, 2 kháng nguyên này, đặc biệt là kháng nguyên H luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ liên tục thường gây các đợt dịch cúm vừa và nhỏ. Những biến đổi nhỏ dần tích tụ lại thành các biến đổi lớn, tạo nên phân tuýp kháng nguyên mới.

Các kháng nguyên H và N quyết định tính kháng nguyên đặc hiệu của từng chủng virus cúm khác nhau. Chúng cũng là vị trí gắn kết và phát huy tác dụng của các thuốc kháng virus. Bên cạnh đó, kháng nguyên H và N có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và xuất vắc xin phòng bệnh cúm.

Virus cúm A/H1N1 tồn tại trong môi trường bao lâu?

Virus cúm A H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường (ngoại cảnh), có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ… hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Đặc biệt, cúm A/H1N1 có thể sống lâu trong môi trường nước như sống đến 4 ngày ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống vài tuần ở nhiệt độ 0-4oC. Do đó, các hồ bơi, điểm bơi công cộng có thể tạo ra môi trường cho virus A/H1N1 hoạt động mạnh, nhất là vào thời tiết mưa nhiều, độ ẩm thấp, thiếu ánh nắng để tiêu diệt virus. Thậm chí, ở nhiệt độ -20oC và đông khô, virus cúm có thể tồn tại cả năm.

Mặt khác, vì bản chất của virus cúm là lipoprotein (protein + lipid) nên virus cúm a h1n1 có sức đề kháng yếu và dễ bị bất hoại bởi bức xạ mặt trời hay tia tử ngoại. Cụ thể, virus cúm cũng dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56oC và các chất hòa tan lipid như beta-propiolactone, ether, chloramine, formol, cồn,…

Virus cúm A/H1N1 tồn tại trong môi trường bao lâu?
Virus cúm A/H1N1 tồn tại trong môi trường bao lâu?

Cúm A/H1N1 xuất hiện đầu tiên ở đâu?

Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát và cướp đi tính mạng của khoảng 50-100 triệu người, đồng thời lây nhiễm cho 500 triệu người khắp thế giới trong năm 1918 – 1919 (tương đương 1/3 dân số toàn cầu). Chủng virus cúm H1N1 được các chuyên gia đánh giá có liên quan đến trận đại dịch khủng khiếp này.

Cúm A/H1N1 là dịch cúm do virus cúm A thuộc chủng cúm H1N1 được phát hiện lần đầu tiên ở Mexico vào tháng 3/2009. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Ngày 11/6/2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo dịch ở cấp độ 6, cấp độ cao nhất và tuyên bố là đại dịch cúm có quy mô toàn cầu.

Đến cuối tháng 7/2009, dịch đã lan rộng ra trên 160 quốc gia ở 5 châu lục với hàng trăm triệu ca mắc và trăm nghìn ca tử vong. Đến tháng 8/2010, WHO công bố đại dịch này chấm dứt. Tuy nhiên, A H1N1 tiếp tục lưu hành dưới dạng virus cúm theo mùa và gây bệnh, nhập viện và tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A(H1N1) đầu tiên xuất hiện ngày 31/5/2009. Đến ngày 30/7/2009, đã có gần 800 trường hợp mắc cúm A/H1N1 ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước và đã có trường hợp tử vong. Điều đáng lo ngại là dịch đã lây lan nhanh trong cộng đồng và đặc biệt đã bùng phát tại một số trường học – được xem “xã hội thu nhỏ”.

Từ năm 2018, chủng virus cúm A/H1N1 và một số biến thể cúm đang có xu hướng tái bùng phát mạnh tại một số quốc gia châu Á, trong đó có cả Việt Nam. Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, nhịp sống bình thường mới trở lại, thời tiết chuyển mùa, học sinh chuẩn bị trở lại trường học là điều kiện thuận lợi để virus cúm “trỗi dậy” và lây lan mạnh nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh cúm A/H1N1

Virus cúm A/H1N1 được phát hiện trên lợn đầu tiên, song virus có khả năng lây nhiễm từ người sang người vô cùng mạnh mẽ và tấn công vào lá phổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Người mắc cúm A/H1N1 có thể do nguyên nhân dưới đây:

  • Hít phải không khí có chứa dịch tiết của người nhiễm bệnh khi họ sổ mũi, ho, hắt hơi.
  • Tiếp xúc gián tiếp: Khi chạm tay vào đồ vật có chứa virus A/H1N1 như mặt bàn, ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng,… rồi đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cúm.
  • Tiếp xúc trực tiếp: Người bị nhiễm cúm H1N1 có khả năng lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có triệu chứng của bệnh. Do đó, người bình thường khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua giao tiếp, hôn hoặc quan hệ tình dục thì nguy cơ lây nhiễm cúm H1N1 là rất cao. Đặc biệt là ở môi trường công cộng, đông người như công viên, lễ hội,… thì virus càng lây lan mạnh mẽ hơn.

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh cúm A/H1N1

Theo các chuyên gia y tế, người nhiễm cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng như cúm bình thường, tuy nhiên có kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng hơn, cụ thể:

  • Sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh. Người bệnh thường sốt cao hơn 38oC;
  • Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, biếng ăn, cơ thể suy nhược;
  • Đau họng, viêm họng, ho khan;
  • Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở;
  • Buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.

Các triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 có thể từ nhẹ đến nặng tùy mỗi người. Về cơ bản, người mắc cúm thường sốt 2 – 5 ngày, trong khi các bệnh về đường hô hấp do virus khác thường hết sốt sau 24 – 48 giờ. Các triệu chứng cúm A/H1N1 thường được cải thiện sau 2 – 5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài 7 ngày hoặc hơn. Đặc biệt, người bệnh cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cúm A/H1N1 để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh cúm A/H1N1
Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh cúm A/H1N1

Cúm A/H1N1 có nguy hiểm không?

Cúm A/H1N1 là bệnh nguy hiểm do tỷ lệ lây lan rất nhanh và mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch rất lớn. Thông thường, người mắc bệnh cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi trong vòng chưa đến 2 tuần mà không cần can thiệp thuốc điều trị hoặc chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cúm có thể khiến người bệnh gặp các biến chứng nặng nề kéo dài chẳng hạn như viêm phổi, ở những đối tượng có nguy cơ cao: trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, đái tháo đường hoặc tim mạch,…

Nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1, ThS Nguyễn Diệu Thúy, Trợ lý Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Cúm A/H1N1 là “chú sói đội lốt cừu” nhưng nhiều người lại đang đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của bệnh. Virus cúm A/H1N1 có đặc điểm rất đặc trưng như tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh rất ngắn từ 1- 2 ngày, cơ chế lây truyền, khả năng tồn tại lâu dài khiến bệnh cảnh diễn biến nhanh chóng, gây các biến chứng nặng nề, đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài và tốn kém chi phí. Đó là nguyên nhân khiến cúm dễ lây lan thành các vụ dịch lớn, gia tăng gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đang quá tải vì Covid-19.”

Biến chứng của cúm A/H1N1

Bất kỳ ai cũng có thể bị virus cúm A/H1N1 tấn công, từ trẻ sơ sinh cho tới người lớn tuổi, ngay cả những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, các bậc phụ huynh thường nhầm lẫn dấu hiệu cúm A/H1N1 với cảm lạnh hay các bệnh đường hô hấp thông thường, khiến việc điều trị gặp nhiều gián đoạn và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm ở những người thể trạng yếu.

Khác với cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng của cúm A/H1N1 có thể kể đến như:

  • Suy hô hấp cấp: xuất hiện khi người bệnh có triệu chứng lâm sàng như khó thở, thiếu oxy, mạch đập nhanh, thở dốc và có dấu hiệu tổn thương phổi. Ngoài ra có thể kèm thêm một số biến chứng nghiêm trọng như suy thận, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và gây tử vong rất nhanh.
  • Xuất hiện hoặc làm nặng thêm bệnh mạn tính: Ở một số trường hợp hiếm gặp, cúm A/H1N1 làm xuất hiện hoặc diễn tiến nặng hơn các bệnh mạn tính như: suy gan mạn tính, các bệnh tim mạch, đái đường, hen suyễn, COPD.
  • Ngoài ra, cúm A (H1N1) có thể gây các biến chứng liên quan như: Viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang và nhiễm trùng tai.

Phụ nữ mang thai có tỷ lệ bị biến chứng cúm A/H1N1 cao hơn những người bình thường. Tỷ lệ tử vong ở nhóm này cũng cao hơn bởi hệ miễn dịch của mẹ bầu bị suy giảm, dễ dàng bị virus tấn công. Do đó, phụ nữ mang thai không nên chủ quan với cúm, nên đến các cơ sở y tế thăm khám nếu có triệu chứng như: Sốt, ho, khó thở, tức ngực… để được phát hiện và điều trị sớm. Đặc biệt cần phải tiêm ngừa vắc xin cúm trước khi có ý định mang thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu 1 tháng.

Đường lây truyền cúm A/H1N1

Virus cúm A/H1N1 có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người theo hai con đường chính là: đường hô hấp và đường tiếp xúc trực tiếp.

Theo điều tra dịch tễ, người mang virus cúm A(H1N1) có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng cúm. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện.

Mắc cúm A/H1N1 bao lâu thì khỏi?

“Trẻ em, người lớn mắc cúm A/H1N1 bao lâu thì khỏi?”, “cúm A/H1N1 bao lâu thì hết” là câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh. Thông thường cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi trong khoảng 1 tuần, sốt và các triệu chứng khác sẽ dần biến mất. Cảm giác ho, mệt mỏi có thể kéo dài dai dẳng đến 2 tuần hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, ở trẻ em hay người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính về phổi, tim mạch, thận,.. hệ miễn dịch kém thì bệnh thường kéo dài, cần thời gian hồi phục lâu hơn. Thậm chí có dẫn theo nguy cơ về biến chứng viêm não, viêm phổi và tử vong hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy, người dân tuyệt đối không chủ quan với bệnh.

Cách điều trị cúm A/H1N1

Ở những trường hợp bị cúm nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể điều trị cúm A H1N1 tại nhà nếu có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, ở những ca bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, đang tiến triển phức tạp hoặc khó dự báo, bất kể tình trạng sức khỏe trước đó, người bệnh cần sớm nhập viện để được các bác sĩ điều trị.

Sau khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt. Các chất ức chế neuraminidase là thuốc kháng virus được lựa chọn để điều trị cúm 2009 và bệnh giống cúm ở cả trẻ em và người lớn ở Hoa Kỳ tại thời điểm này. Các loại thuốc kháng virus để điều trị cúm gồm: Oseltamivir (uống), Zanamivir (hít), Peramivir (tiêm),… Tùy trường hợp và mức độ của bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ đánh giá và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.

Cách điều trị cúm A/H1N1
Cách điều trị cúm A/H1N1

Có thể bạn quan tâm:

Một số chuyên gia đã ủng hộ việc sử dụng gấp đôi liều oseltamivir cho một số bệnh nhân bị bệnh nặng, mặc dù không có dữ liệu chứng minh rằng liều cao hơn có hiệu quả hơn. Đối với người bệnh không thể dùng thuốc uống hoặc thuốc uống dường như không có hiệu quả, có thể Peramivir để tiêm tĩnh mạch mặc dù các nghiên cứu về hiệu quả và an toàn còn hạn chế.

Cúm A/H1N1 gây “gánh nặng kép” cho sức khỏe cộng đồng song song với Covid-19. Chủ động tiêm phòng vắc xin cúm A/H1N1 là chìa khóa hiệu quả và tiết kiệm nhất bảo vệ sức khỏe cả gia đình khỏi cúm và biến chứng nguy hiểm gây ra do Covid-19.

- Advertisement -spot_img

Xem nhiều nhất