Ngày 20-8-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.
Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển – nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm được tạo ra tại Việt Nam. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc , hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa: Sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa.
Một số giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Các quốc gia đã đưa ra nhiều chiến lược cụ thể để có thể cải thiện. Trong đó, trung hòa nhựa là một giải pháp thu hút nhiều sự quan tâm, hoạt động trên nguyên tắc thu gom, sau đó tái chế lượng rác thải nhựa tương ứng với lượng sản phẩm nhựa được sử dụng trong bao bì hoặc sản phẩm tung ra thị trường để tái chế hoặc tái sử dụng. Khái niệm trung hòa nhựa này được giới thiệu nhằm ngăn rác thải nhựa chưa qua xử lý bị đưa ra môi trường và hệ sinh thái và khuyến khích việc xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm xử lý chúng.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, cụ thể:
Thứ nhất
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cần quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Thứ hai
Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học – công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Thứ ba
Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.
Thứ tư
Thứ tư, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải thay đổi tư duy, thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, cần thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.
Thứ năm
Thứ năm, xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Tầm nhìn, trách nhiệm của Việt Nam về rác thải nhựa
Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Luật này được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các doanh nghiệp chung tay hưởng ứng.
Tháng 6-2019, có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã cùng nhau đồng sáng lập nên Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng hiện nay. Hơn thế nữa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau. EPR được coi là một cơ chế hiệu quả, thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của doanh nghiệp, của người dân, chắc rằng chúng ta sẽ thành công trong hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Việt Nam thật sự xanh, sạch, đẹp.