Nhiều nơi trên thế giới thì chìm trong lũ lụt triền miên còn một số nơi thì lại phải hứng chịu thảm cảnh hạn hán khốc liệt, cạn kiệt tài nguyên nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt cũng như nền kinh tế nông nghiệp của nhiều quốc gia khiến cho các nguồn cung lương thực bị đe dọa và trở nên khan hiếm khiến cho dân chúng ở nhiều nơi đang trải qua những đợt đói khát kinh khủng.
Hạn hán là gì?
Hạn hán là hiện tượng tự nhiên được xảy ra khi thiếu hụt lượng mưa trong một thời gian dài làm giảm độ ẩm trong không khí và lượng nước trong đất. Dòng chảy của các sông suối bị suy kiệt, mức nước trong các ao hồ, kênh rạch bị hạ thấp trầm trọng cũng như các mực nước ngầm trong đất bị cạn kiệt.
Có thể bạn quan tâm:
- Sạt lở đất: Nguyên nhân và các loại sạt lở thường gặp
- Mưa đá là hiện tượng gì? Nguyên nhân xuất hiện từ đâu?
Điều này tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, môi trường bị suy thoái và dẫn đến các hệ lụy như dịch bệnh, đói nghèo,… xảy ra. Hạn hán là một thiên tai được xếp thứ 4 về mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người chỉ sau lũ lụt, bão và động đất.
Những nơi hạn hán nặng trên thế giới
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng không có mưa và nắng nóng kéo dài. Nhiều nước còn đang phải trải qua những trận khô hạn khủng khiếp chưa từng có trong suốt 100 năm trở lại đây.
Đất nước Brazil (Nam Mỹ)
Trận hạn hán trầm trọng nhất trong vòng 50 năm qua đã đem lại những hậu quả nghiêm trọng tác động tới ⅕ dân số của đất nước này, thậm chí những thành phố lớn cũng phải chịu hậu quả nặng nề như Rio de Janeiro hay São Paulo.
Hệ thống các kênh đập và hồ chứa nước ở Brazil khá phân tán với cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của con người khi xảy ra khô hạn kéo dài. Thành phố của lớn Brazil, São Paulo đang phải tận dụng nguồn nước dự trữ khẩn cấp của thành phố trong đợt hạn hán này.
Bên cạnh đó, nước ở các thành phố cùng các hồ chứa tại Brazil đều vô cùng ô nhiễm. Chính vì thế rất khó khăn cho việc tiếp cận với nguồn nước sạch trong các đợt mưa do nước mưa đổ xuống sông, hồ và bị nhiễm bẩn, không sử dụng được.
Bang California (Bắc Mỹ)
Tại bang California đang phải gánh chịu trận hạn hán lịch sử trong suốt 40 năm quan. Nước sạch bị thiếu hụt trầm trọng, thảm thực vật và hệ thống cây trồng khô héo, giá điện bị đẩy tăng cao chưa từng có do thiếu hụt nguồn nước cho thủy điện, gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Hệ thống cung cấp nước lớn nhất của thế giới đã được đưa vào để sử dụng do tác động của hạn hán quá nghiêm trọng.
Ở California có tới 12 hồ chứa nước đang ở dưới mức trung bình và có đến 97% khu vực trong bang chịu hạn. Các đợt mưa nhỏ và rải rác cũng không thể làm cho tình trạng khô hạn ở đây bớt khắc nghiệt. Các chuyên gia hy vọng El Nino sẽ đem đến mưa và băng tuyết trong mùa đông này. Tuy nhiên, nếu xảy ra mưa lớn bất thường thì rất dễ bị lũ lụt và sạt lở khi nước mưa gặp mặt đất khô cứng trong thời gian dài.
Nam Phi (châu Phi)
Châu Phi là nơi xảy ra khô hạn thường xuyên trong đó Nam Phi là đất nước phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn nhất. Đây là trận hạn hán chưa từng thấy trong suốt 20 năm qua. Khô hạn khiến cho sản lượng lương thực tại trung tâm, miền Nam châu Phi bị giảm sút nghiêm trọng. 40% sản lượng ngô trong khu vực vốn do Nam Phi cung cấp nhưng giờ đất nước này cũng đã phải đi nhập khẩu. Sản lượng của chúng bị giảm tới 32% và có thể còn thậm tệ hơn trong thời gian tới khiến cho lương thực bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Triều Tiên (châu Á)
Trong suốt 100 năm qua, Triều Tiên đang phải chịu đợt khô hạn khủng khiếp tuy nhiên, các thông tin về những ảnh hưởng do hạn hán gây ra tại nước này còn khá ít. Liên Hiệp Quốc đã đưa ra cảnh báo thiếu hụt lương thực sẽ gây ra nạn đói hàng loạt tại quốc gia này. Thống kê trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tỷ vong của trẻ em tăng lên rõ rệt tại những nơi chịu tác động của khô cằn.
UNICEF đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho quốc gia này để hỗ trợ, cứu giúp người dân. Hạn hán còn gây ra thiếu hụt điện trầm trọng do nguồn nước cung cấp cho thủy điện bị hạn chế, làm giảm công suất của các nhà máy.
Hạn hán xảy ra do nguyên nhân nào?
Có rất nhiều nguyên nhân tác động tới môi trường khiến cho các thiên tai liên tiếp xảy ra trong đó có hạn hán.
Tác động của con người
Con người là nguyên nhân chính gây ra các thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra. Khai thác và phá rừng bừa bãi, tràn lan khiến cho khả năng điều tiết nước mặt bị giảm, mực nước ngầm hạ thấp đến mức cạn kiệt, phân bố, trồng cây không phù hợp, như vùng ít nước vẫn trồng các giống cây cần nhiều nước (như cây lúa) khiến cho lượng nước bị sử dụng quá nhiều, làm cạn kiệt nguồn nước.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bố trí các công trình không phù hợp, khiến cho nhiều công trình không thể phát huy được hết tác dụng… Những công trình nhỏ lại bố trí ở những nơi cần nguồn nước lớn và ngược lại. Ngoài ra, chất lượng thiết kế và thi công công trình không phù hợp, chưa áp dụng những kỹ thuật hiện đại hóa.
Hạn hán gây ra thiếu nước trong mùa khô cạn là bởi nguồn cung cấp nước không đủ cũng như thiếu các biện pháp cần thiết đáp ứng cho nhu cầu ngày càng gia tăng do kinh tế – xã hội ngày càng phát triển ở các khu vực chưa có quy hoạch hợp lý, quy hoạch không phù hợp với mức độ phát triển của nguồn nước, không cân bằng với tự nhiên. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm, suy thoái cùng các tác động của con người khiến cho các hậu quả cho hạn hán gây ra càng nghiêm trọng hơn.
Yếu tố thời tiết bất thường
Lượng mưa ít, không đáng kể trong một thời gian dài là tình trạng phổ biến ở những nơi khô hạn, bán khô hạn. Lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của nhiều năm cùng kỳ khiến cho hạn hán dễ xảy ra. Việc này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, kể cả những nơi có lượng mưa lớn.
Trong một thời gian dài không có mưa hoặc mưa chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu ít ỏi cho sản xuất cũng như môi trường xung quanh. Đây là tình trạng khá phổ biến ở các nơi có khí hậu gió mùa, phân biệt rõ rệt giữa 2 mùa: Mùa khô và mùa mưa.
Hạn hán gây ra hậu quả như thế nào?
Sẽ có những hậu quả ngắn và dài hạn do hạn hán gây ra do tính chất và khả năng phụ thuộc của xã hội vào nguồn nước. Khô hạn gây ra các hậu quả, tác động tới kinh tế, xã hội và môi trường đối với những nơi đang xảy ra cũng như những nơi có quan hệ với khu vực bị hạn hán xảy ra.
Tác động tới nền nông nghiệp
Khô hạn, thiếu nước thường xuyên, kéo dài làm ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng của cây trồng làm giảm nguồn thu của người nông dân, đẩy giá thành của sản phẩm lên bởi nguồn cung bị khan hiếm. Đồng thời, hạn hán kéo dài còn gây ra tình trạng thất nghiệp, nông dân không thể canh tác và sản xuất được có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế trong khu vực và những nơi có quan hệ giao thương với nó.
Tác động tới môi trường
Hạn hán mang đến các dịch bệnh, côn trùng ảnh hưởng tới cây trồng, tăng khả năng xói mòn, suy thoái cảnh quan, làm giảm chất lượng nước và không khí, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng hay các thảm thực vật khô cằn. Hạn hán trong thời gian ngắn thì môi trường tự nhiên còn có khả năng tự phục hồi nhưng nếu quá trình này kéo dài quá lâu, hệ thực vật và động vật không thể chịu đựng được nữa khiến cho có thể xảy ra hiện tượng sa mạc hóa trên diện rộng.
Tác động tới xã hội
Hạn hán có thể gây ra các tranh chấp bởi nguồn nước sử dụng không đồng đều giữa mọi người dân, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trong việc sử dụng nước từ đó sẽ xảy ra các bạo động và các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, hạn hán còn gây ra việc di cư của người dân từ nơi khô hạn tới các nơi khác để tránh các tác động do khô hạn gây ra. Điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực mới, gây ra các xung đột. Đồng thời nó làm gia tăng đói nghèo và bất ổn trong xã hội.
Biện pháp phòng chống hạn hán
Là hiện tượng gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nhưng nếu có các biện pháp phòng ngừa thì chúng ta có thể làm giảm được những thiệt hại, ảnh hưởng của hạn hán gây ra:
- Bảo vệ môi trường đất và nước: Đất được bảo vệ sẽ có khả năng hấp thụ nước mưa tốt hơn tuy nhiên nó cũng khiến cho nông dân phải sử dụng ít nước. Đồng thời cũng ít bị ô nhiễm nguồn nước bởi các tác động từ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học của các nông trại sản sinh ra.
- Khử muối, giảm độ mặn của nước biển, tái chế nước sử dụng, tận dụng nguồn nước mưa sẽ khiến người dân có được nguồn nước dồi dào hơn, làm giảm ảnh hưởng của hạn hán gây ra ở những nơi có khí hậu khô cằn.
- Sử dụng tài nguyên nước hợp lý trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân để ngăn ngừa và giảm hậu quả do hạn hán đem lại. Đối với nông nghiệp, việc tiết kiệm nước cần được thực hiện ở cả 3 mặt: quy hoạch hệ thống kênh mương, tưới tiêu hợp lý, xây dựng phát triển các đồng ruộng có khả năng giữ nước trong đất và sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt.
- Xây dựng những hồ chứa nước mới với dung tích phù hợp, tăng cường dòng chảy cho hệ thống sông. Xây dựng đồng thời nâng cấp, tu bổ các công trình tưới tiêu, chủ động tưới tiêu cho cây trồng, từ đó giúp hạn chế được hạn hán xảy ra cũng như các tác động nghiêm trọng của nó gây ra.
Kết luận
Hạn hán đem lại hậu quả trầm trọng, tác động to lớn tới nền kinh tế và tính mạng con người trên toàn thế giới. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống cũng như ngăn ngừa, hạn chế thiên tai xảy ra.